Nội Qui Lao Động
6. NỘI QUY LAO ĐỘNG
CHƯƠNG I: THỜI GIỜ LÀM VIỆC – THỜI GIỜ NGHỈ NGƠI
Điều 1. Thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi
- Người Lao Động làm việc cho Công Ty sẽ làm việc bốn mươi tám (48) giờ mỗi tuần. Tùy thuộc vào tính chất công việc và hoạt động của từng bộ phận, các nhân viên sẽ được phân công làm việc theo một trong các chế độ như sau:
- Nhân viên văn phòng
Thời gian làm việc: Tám (08) giờ mỗi ngày – Năm (05) ngày mỗi tuần.
Thời gian làm việc: từ 9:00 đến 12:00 - từ 13:00 đến 18:00.
Thời gian nghỉ ngơi: từ 12:00 đến 13:00.
Ngày nghỉ hằng tuần: 02 ngày, vào Thứ bảy và Chủ nhật.
- Nhân viên bán hàng (khối bán hàng/cửa hàng)
Thời gian làm việc: tám (08) giờ mỗi ngày – sáu (06) ngày mỗi tuần. Trong trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá mười (10) giờ trong một (01) ngày và không quá bốn mươi tám (48) giờ trong một (01) tuần.
Ca làm việc: có 3 ca làm việc với thời gian như bên dưới nhưng không cố định trong hợp đồng lao động mà sẽ được sắp xếp theo quy định của Công Ty:
Ca M: từ 09:00 đến 17:00
Ca A: từ 14:00 đến 22:00
Ca C: từ 11:00 đến 19:00
Thời gian nghỉ ngơi: một (01) giờ tính vào mỗi ca làm việc.
Ngày nghỉ hàng tuần: Được nghỉ ít nhất hai mươi bốn (24) giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần thì Công Ty có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân một (01) tháng ít nhất bốn (04) ngày.
- Trước khi chuyển sang ca làm việc khác, Người Lao Động sẽ có khoảng thời gian nghỉ ngơi ít nhất mười hai (12) giờ.
- Tùy theo yêu cầu hoạt động, Công Ty có quyền sửa đổi giờ làm việc như đã đề cập ở trên và đăng ký sửa đổi Nội Quy với cơ quan có thẩm quyền theo đúng các trình tự và thủ tục của pháp luật Việt Nam. Nội Quy được sửa đổi sau khi ban hành sẽ được Công Ty gửi đến từng tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (nếu có) và thông báo đến toàn bộ Người Lao Động, đồng thời niêm yết nội dung chính ở những nơi cần thiết tại nơi làm việc.
Điều 2. Làm thêm giờ và nghỉ phép
- Công Ty được sử dụng Người Lao Động làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau đây:
- Được sự đồng ý của Người Lao Động;
- Bảo đảm số giờ làm thêm của Người Lao Động không quá năm mươi phần trăm (50%) số giờ làm việc bình thường trong một (01) ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá mười hai (12) giờ trong một (01) ngày; không quá bốn mươi (40) giờ trong một (01) tháng;
- Bảo đảm số giờ làm thêm của Người Lao Động không quá hai trăm (200) giờ trong một (01) năm.
- Người Lao Động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:
- Tiền lương làm thêm giờ vào ngày thường, với mức ít nhất bằng một trăm năm mươi phần trăm (150%) của mức lương ngày làm việc bình thường;
- Tiền lương làm thêm giờ làm việc vào ngày nghỉ hằng tuần, với mức ít nhất bằng hai trăm phần trăm (200%) của mức lương ngày làm việc bình thường;
- Tiền lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, với mức ít nhất bằng ba trăm phần trăm (300%) của mức lương ngày làm việc bình thường, chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với Người Lao Động hưởng lương ngày;
- Bất kỳ Người Lao Động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng ba mươi phần trăm (30%) của tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường; và
- Người Lao Động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại Điều 2.2(a), (b), (c) và (d) ở trên, Người Lao Động còn được trả thêm hai mươi phần trăm (20%) tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.
- Người Lao Động có ngày nghỉ được trả nguyên lương vào các ngày lễ như sau:
- Tết Dương lịch: Một (01) ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
- Tết Âm lịch: Năm (05) ngày;
- Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: Một (01) ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch);
- Ngày Chiến thắng: Một (01) ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
- Ngày Quốc tế lao động: Một (01) ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
- Quốc khánh: Hai (02) ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và một (01) ngày liền kề trước hoặc sau).
- Khi những ngày nghỉ lễ, tết quy định tại Điều 2.3 của Nội Quy trùng vào ngày nghỉ hằng tuần, Người Lao Động sẽ được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp.
- Ngoài ngày nghỉ lễ theo quy định tại Điều 2.3 và Điều 2.4 ở trên, Người Lao Động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam còn được nghỉ thêm một (01) ngày Tết cổ truyền dân tộc và một (01) ngày Quốc khánh của nước họ.
- Công Ty được sử dụng Người Lao Động làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau đây:
Điều 3. Nghỉ phép hằng năm
- Trong điều kiện làm việc bình thường, Người Lao Động làm việc đủ mười hai (12) tháng trở lên cho Công Ty, thì hằng năm, Người Lao Động đó được nghỉ mười hai (12) ngày phép hưởng nguyên lương.
- Người lao động làm việc chưa đủ mười hai (12) tháng cho Công Ty thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.
Số ngày nghỉ hằng năm của Người Lao Động làm việc chưa đủ mười hai (12) tháng được tính như sau: lấy số ngày nghỉ hằng năm cộng với số ngày được nghỉ tăng thêm theo thâm niên (nếu có), chia cho 12 tháng, nhân với số tháng làm việc thực tế trong năm để tính thành số ngày được nghỉ hằng năm.
- Trong trường hợp Người Lao Động dự định nghỉ phép, Người Lao Động phải hoàn tất việc gửi thông báo xin nghỉ phép cho Phòng Hành Chính – Nhân Sự bằng việc điền thông tin vào mẫu đơn điện tử xin nghỉ phép năm và gửi cho Phòng Hành Chính – Nhân Sự ít nhất trước:
- một (01) tuần tính từ ngày dự định nghỉ nếu tổng số ngày nghỉ cho đợt nghỉ đó nhỏ hơn năm (05) ngày;
- hai (02) tuần tính từ ngày dự định nghỉ nếu tổng số ngày nghỉ cho đợt nghỉ đó từ năm (05) ngày trở đi.
- Trưởng Bộ phận phụ trách quản lý Người Lao Động có trách nhiệm bố trí để Người Lao Động đó nghỉ cho đủ phép năm.
- Căn cứ vào yêu cầu kinh doanh, Công Ty có quyền quy định lịch nghỉ hàng tháng, quý, nửa năm hoặc hằng năm cho Người Lao Động sau khi tham khảo ý kiến của Người Lao Động và sẽ thông báo trước cho Người Lao Động biết.
- Trong trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà Người Lao Động chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì Công Ty sẽ thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ đó: Tiền lương làm căn cứ trả cho người lao động những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm theo khoản 3 Điều 113 của Bộ luật Lao động là tiền lương theo hợp đồng lao động của tháng trước liền kề tháng người lao động thôi việc, bị mất việc làm.
- Trường hợp Người Lao Động làm việc chưa đủ tháng, nếu tổng số ngày làm việc và ngày nghỉ có hưởng lương của Người Lao Động đó (nghỉ lễ, tết, nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng có hưởng lương theo Điều 112, Điều 113, Điều 114 và Điều 115 của Bộ Luật Lao Động) chiếm tỷ lệ từ năm mươi phần trăm (50%) số ngày làm việc bình thường trong tháng theo thỏa thuận thì tháng đó được tính là một (01) tháng làm việc để tính ngày nghỉ hằng năm.
Điều 4. Nghỉ ốm
- Trong trường hợp Người Lao Động bị ốm không thể có mặt tại nơi làm việc, Người Lao Động phải thông báo đến Trưởng Bộ phận của mình ít nhất (một) 01 giờ trước khi ca làm việc của mình bắt đầu. Thời gian nghỉ ốm chỉ được chấp thuận khi Người Lao Động cung cấp cho Công Ty giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội được cấp bởi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Người Lao Động đã nghỉ ốm sẽ được quỹ bảo hiểm xã hội thanh toán các chế độ ốm đau theo các quy định về bảo hiểm xã hội.
Việc nghỉ ốm phải được Người Lao Động thông báo cho Phòng Hành Chính – Nhân Sự bằng việc Người Lao Động gửi (i) đơn xin nghỉ ốm theo hướng dẫn của Phòng Hành Chính – Nhân Sự; và (ii) bản sao giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội được cấp bởi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền cho Phòng Hành Chính – Nhân Sự ngay sau khi Người Lao Động đó trở lại làm việc.
- Trừ trường hợp có quy định khác tại Nội Quy này, mọi trường hợp nghỉ ốm mà không phù hợp với quy định tại Điều 4.1 nêu trên sẽ được xem là nghỉ việc không có lý do chính đáng.
Điều 5. Nghỉ thai sản
- Người Lao Động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Lao động nữ mang thai;
- Lao động nữ sinh con;
- Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
- Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới sáu (06) tháng tuổi;
- Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản; và
- Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
- Người Lao Động quy định tại các Điều 5.1(b), Điều 5.1(c) và Điều 5.1(d) phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ sáu (06) tháng trở lên trong thời gian mười hai (12) tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
- Trong thời gian mang thai, Người Lao Động nữ được nghỉ việc để đi khám thai năm (05) lần, mỗi lần một (01) ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ hai (02) ngày cho mỗi lần khám thai. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 5.3 này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
- Công Ty sẽ không sử dụng Người Lao Động nữ làm việc sau 19:00 giờ, làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong các trường hợp sau đây:
- Người Lao Động nữ đang có thai từ tháng thứ bảy hoặc từ tháng thứ sáu nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; và
- Người Lao Động nữ đang nuôi con nhỏ dưới mười hai (12) tháng.
- Người Lao Động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là sáu (06) tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá hai (02) tháng.
Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm một (01) tháng.
- Hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại Điều 5.5, nếu có nhu cầu, Người Lao Động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương sau khi thỏa thuận với Công Ty.
- Trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại Điều 5.5, Người Lao Động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được bốn (04) tháng với điều kiện (i) Người Lao Động nữ đó đã báo trước cho Công Ty và được Công Ty đồng ý; và (ii) Người Lao Động nữ đó có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của Người Lao Động nữ đó. Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do Công Ty trả, Người Lao Động nữ đó vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
- Trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, Người Lao Động nữ được nghỉ mỗi ngày một (01) giờ trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
- Ngoài các quy định từ Điều 5.1 đến 5.8 ở trên, Người Lao Động nam và Người Lao Động nữ sẽ được quyền hưởng các chế độ thai sản khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Điều 6. Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương
- Người Lao Động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương trong những trường hợp sau đây:
- Kết hôn: nghỉ ba (03) ngày;
- Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ một (01) ngày; và
- Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ ba (03) ngày.
- Người Lao Động được nghỉ không hưởng lương một (01) ngày và phải thông báo với Công Ty khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
- Ngoài quy định tại Điều 6.1 và Điều 6.2 ở trên, Người Lao Động được quyền nghỉ không hưởng lương trong trường hợp cần thiết và khi tất cả ngày nghỉ phép hưởng lương không còn. Việc nghỉ không hưởng lương phải được Người Lao Động thông báo cho Phòng Hành Chính – Nhân Sự tương tự như quy định tại Điều 3.3 của Nội Quy này.
Điều 7. Nghỉ vì lý do không chính đáng
- Trừ trường hợp nghỉ do thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, nếu Người Lao Động nghỉ việc không phù hợp với các quy định nêu tại Điều 3, Điều 4, Điều 5 và Điều 6 của Nội Quy này thì Người Lao Động được xem là nghỉ không có lý do chính đáng và sẽ bị xử lý theo quy định của Nội Quy này.
- Trong trường hợp Người Lao Động được xem là nghỉ không có lý do chính đáng, Trưởng Bộ phận sẽ lập báo cáo gửi cho Giám Đốc Điều Hành. Trong trường hợp cần thiết, Trưởng Bộ phận sẽ nộp các báo cáo nghỉ không có lý do chính đáng đến Phòng Hành Chính - Nhân Sự xem xét để Công Ty tiến hành xử lý kỷ luật lao động.
Để làm rõ, báo cáo được lập bởi Trưởng Bộ phận sẽ bao gồm chữ ký của Trưởng Bộ phận, người chứng kiến là Người Lao Động khác và Người Lao Động được xem là người nghỉ không có lý do chính đáng.
CHƯƠNG II: TRẬT TỰ TRONG CÔNG TY
Điều 8. Nguyên tắc ra vào Công Ty
Người Lao Động phải tuân đầy đủ các nguyên tắc sau đây khi ra vào Công Ty:
- Ra vào theo lối dành cho người đi bộ và dưới sự giám sát của bảo vệ.
- Khi đến Công Ty, Người Lao Động phải ăn mặc gọn gàng, chu đáo, đeo thẻ nhân viên, trang phục bảo hộ lao động (nếu có).
- Không được mang bất kỳ tài sản hoặc các tài liệu nào ra khỏi Công Ty mà không được phép của người có thẩm quyền.
- Không được vào khu vực Công Ty khi đã uống rượu, bia hoặc dùng bất kỳ chất kích thích khác.
- Người Lao Động không được phép vào hoặc ở lại trong khu vực Công Ty ngoài giờ làm việc mà không có sự chấp thuận trước của Trưởng Bộ phận.
- Khi được yêu cầu, Người Lao Động phải xuất trình máy ảnh và điện thoại di động theo yêu cầu của bảo vệ Cửa hàng để kiểm tra.
Điều 9. Chất lượng giờ và ngày làm việc
Người Lao Động phải trung thành, siêng năng thực hiện công việc đã được giao. Để đạt được mục tiêu này, Người Lao Động được yêu cầu phải tránh những hành vi không mong muốn sau:
- Đi trễ, về sớm, kéo dài thời gian nghỉ ngơi.
- Làm việc riêng trong giờ làm việc.
- Cản trở Người Lao Động khác làm việc.
- Ngủ tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc.
- Rời nơi làm việc hoặc khu vực làm việc trong giờ làm việc mà không có lý do chính đáng.
Điều 10. Đồng phục
- Trong trường hợp Công Ty có cung cấp đồng phục cho Người Lao Động, Người Lao Động phải mặc đồng phục đó tại nơi làm việc trong suốt thời gian làm việc.
- Công Ty sẽ cung cấp đồng phục cho Người Lao Động là nhân viên tại cửa hàng thuộc Công Ty. Mọi Người Lao Động phải tuân thủ nguyên tắc sau:
- Người Lao Động phải mặc đồng phục theo quy định của Công Ty. Việc không mặc đồng phục đúng quy định của Công Ty có thể khiến Người Lao Động phải chịu trách nhiệm kỷ luật bởi người Trưởng Bộ phận quản lý trực tiếp;
- Thiết kế và màu sắc của đồng phục do Công Ty xác định và không nhân viên nào được phép thay đổi đồng phục của mình;
- Người Lao Động có trách nhiệm duy trì và vệ sinh đồng phục của mình;
- Người Lao Động phải trả lại đồng phục cho Công Ty khi chấm dứt hợp đồng lao động với Công Ty;
- Người Lao Động có nghĩa vụ phải trả cho Công Ty chi phí của đồng phục nếu đồng phục được giao bị thất lạc hoặc bị hư hỏng không do hao mòn;
- Người Lao Động phải ăn mặc gọn gàng, sạch sẽ và ấn tượng; trang phục không có lỗ, vết rách hoặc phai màu;
- Áo sơ mi phải được bỏ vào trong (quần) hoặc thể hiện chuyên nghiệp;
- Giày cần phải phù hợp với công việc và khu vực làm việc; không được mang dép lê;
- Các hình xăm nhìn thấy, trang trí mặt bao gồm đồ trang sức lông mày, mũi, môi và lưỡi, màu lông và kiểu tóc kỳ lạ hoặc không bình thường, và nếu có thì nên hạn chế và không quá đáng.
Điều 11. Nơi làm việc
Người Lao Động phải tuân thủ đầy đủ các quy định về nơi làm việc như sau:
- Người Lao Động được yêu cầu giữ nơi làm việc sạch sẽ và ngăn nắp.
- Người Lao Động không được để bất kỳ tài liệu bí mật công tác trên bàn làm việc khi không có mặt tại nơi làm việc.
- Người Lao Động phải làm việc đúng nơi đã được phân công, và không được đi đến các địa điểm khác mà không có sự chấp thuận trước từ Trưởng Bộ phận.
- Người Lao Động không được phép tiếp khách cá nhân trong văn phòng của Công Ty, trừ trường hợp khẩn cấp và có sự chấp thuận trước của Trưởng Bộ phận.
- Nghiêm cấm việc mang vũ khí, đạn dược hoặc các dụng cụ tương tự như vũ khí và các công cụ thuốc nổ đến nơi làm việc.
- Người Lao Động phải tiết kiệm điện bằng cách tắt đèn và các thiết bị điện khác như máy tính, máy móc, thiết bị, quạt, máy điều hòa, ... khi không sử dụng.
- Các phương tiện điện tử và Internet của Công Ty chỉ được sử dụng cho công việc và hỗ trợ cho Người Lao Động để thực hiện công việc của mình. Các phương tiện này chỉ được sử dụng cho mục đích công việc hợp pháp. Tất cả Người Lao Động sử dụng phương tiện điện tử và Internet của Công Ty phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả, bản quyền phần mềm, bảo mật, chống phân biệt đối xử, chống quấy rối và các quy định khác có liên quan. Truy cập, phân phối hoặc hiển thị thư điện tử hoặc các tài liệu trên mạng Internet có nội dung không lành mạnh có thể được xem là vi phạm Nội Quy này và có thể bị xử lý kỷ luật.
- Công Ty có thể kiểm tra bất kỳ hệ thống máy tính nào hoặc bất kỳ việc sử dụng nào của người sử dụng trên các hệ thống máy tính của Công Ty.
Điều 12. Công cụ và phương tiện làm việc
Công cụ và phương tiện làm việc bao gồm: văn phòng phẩm, tài liệu, hoá đơn, thiết bị, phương tiện, máy móc, dụng cụ cầm tay, phụ tùng, nguyên liệu, vật liệu, tài liệu, thông tin, dữ liệu, công thức mà Người Lao Động được giao thực hiện công việc của mình. Người Lao Động được yêu cầu phải tuân thủ đầy đủ các quy tắc sau đây:
- Bảo vệ công cụ làm việc đúng cách, tuân thủ nghiêm ngặt việc hướng dẫn sử dụng và bảo trì của mỗi công cụ.
- Không sử dụng công cụ lao động cho các mục đích cá nhân.
- Không lãng phí hoặc không sử dụng sai công cụ làm việc.
- Không đánh tráo hoặc di chuyển các công cụ làm việc, trừ trường hợp có sự cho phép của Trưởng bộ phận.
Điều 13. Tài chính và Hành chính quản trị
Người Lao Động phải tuân thủ đầy đủ các quy định liên quan đến tài chính và hành chính quản trị dưới đây:
- Không nhập, ghi sai hoặc bịa đặt trong sổ sách của Công Ty để che giấu bản chất của giao dịch.
- Không được sử dụng khoản tiền được cấp khác với mục đích được quy định trong các văn bản mà cấp thẩm quyền đã duyệt.
- Không được thanh toán bất hợp pháp dưới mọi hình thức hoặc sử dụng tiền hoặc Tài Sản Công Ty để vi phạm pháp luật.
- Không đưa tiền, tặng quà hoặc ưu đãi có giá trị bằng tiền cho bất kỳ người nào ở một vị trí có quyền lực, chẳng hạn như quan chức chính phủ hoặc nhân viên của các công ty, với mục đích tác động người đó từ bỏ nhiệm vụ của mình hoặc có được ưu đãi trong quá trình đàm phán, việc trao hợp đồng hoặc bất kỳ tình huống nào khác.
- Bất kỳ hợp đồng ký kết giữa Công Ty và các đại lý và các chuyên gia tư vấn sẽ luôn được thể hiện bằng văn bản và ghi rõ các nội dung về mục đích và giá trị của hợp đồng.
- Người Lao Động không được tặng cho hoặc nhận bất kỳ quà tặng hoặc các ưu đãi có giá trị bằng tiền từ bất kỳ người nào, nếu những món quà này được trao với mục đích ảnh hưởng đến sự phán xét của người hưởng lợi đối với các giao dịch của và/hoặc liên quan đến Công Ty.
Điều 14. Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc
- Nghiêm cấm bất kỳ cá nhân nào trong Công Ty có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Để làm rõ, “quấy rối tình dục” là hành vi (i) có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận và (ii) có thể xảy ra dưới dạng trao đổi như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc, hoặc những hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi, nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối.
- Quấy rối tình dục tại nơi làm việc bao gồm:
- Hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục (như cố tình động chạm không mong muốn, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp, hôn và/hoặc tấn công tình dục, cưỡng dâm, hiếp dâm);
- Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục (như những truyện cười gợi ý về tình dục hay những nhận xét về trang phục hay cơ thể của một người nào đó khi có mặt họ hoặc hướng tới họ); và
- Quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể (như sử dụng ngôn ngữ cơ thể khiêu khích, biểu hiện không đứng đắn, cái nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục), trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử (như việc phô bày các tài liệu khiêu dâm, hình ảnh, vật, màn hình máy tính, các áp phích, thư điện tử, ghi chép, tin nhắn liên quan tới tình dục).
- Bất kỳ Người Lao Động nào tin rằng mình đang là nạn nhân bị quấy rối tình dục phải ngay lập tức thông báo cho Công Ty. Công Ty sẽ tiến hành các bước cần thiết để đảm bảo rằng vấn đề này được điều tra, xác minh triệt để và giải quyết nhanh chóng. Trong vòng chín mươi (90) ngày kể từ ngày Công Ty nhận được thông báo tố giác về hành vi quấy rối tình dục, Công Ty sẽ ban hành quyết định để thông báo kết quả điều tra và biện pháp xử lý đối với người có hành vi quấy rối tình dục (nếu có).
- Trong trường hợp người bị quấy rối tình dục phải chịu tổn thương do hậu quả của hành vi quấy rối như bị cách chức, thì tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của từng trường hợp, người bị quấy rối tình dục sẽ được Công Ty xem xét phục hồi chức vụ hoặc xem xét bổ nhiệm, bồi thường một cách tương xứng.
- Mọi lời tố giác về hành vi quấy rối tình dục không đúng sự thật, thì, căn cứ vào tính chất và mức độ của hành vi tố giác sai sự thật đó, Công Ty sẽ áp dụng các hình thức kỷ luật từ khiển trách tới sa thải đối với người lao động thực hiện hành vi đó.
- PHÚC LỢI
- Sinh nhật
Nội dung:
- Nhân viên được nhận quà/tiền mặt 200.000 đồng và thiệp chúc mừng từ công ty. Riêng nhân viên có tham gia Công đoàn công ty được tặng thêm 300.000 đồng từ BCH. CĐ
- Bánh, trái cây, nước ngọt cho tiệc sinh nhật tháng: không quá định mức 300.000 đồng/người.
Thực hiện:
- Trong tuần cuối của tháng n, Phòng Nhân sự có trách nhiệm lập danh sách nhân viên có sinh nhật của tháng n+1, trình cấp quản lý phụ trách phê duyệt và chuyển kết quả đến các Đơn vị/ Phòng ban liên quan thực hiện công tác chuyên môn.
- Ban chấp hành Công đoàn nhận Danh sách sinh nhật và duyệt theo quy chế hoạt động công đoàn.
- Bộ phận Nhân sự có trách nhiệm hoàn tất (quà, thiệp, hoa, bánh, trái cây, …) và tổ chức sinh nhật đảm bảo kịp thời, trang trọng và ý nghĩa.
- Tiệc tổ chức sinh nhật tháng được tổ chức vào thứ 6 tuần thứ 2 của tháng, trường hợp thay đổi thực hiện theo thông báo của Phòng Nhân sự.
- Hỗ trợ đám hiếu, hỷ, thiên tai, tai nạn, ốm đau, thai sản
Nội dung:
- Mức hỗ trợ đối với bản thân nhân viên: Nhân viên sẽ nhận được tiền mặt/phần quà 2.000.000 đồng từ công ty.
- Mức hỗ trợ đối với vợ, chồng, bố mẹ, anh, chị, em ruột, con ruột, con nuôi đối với trường hợp hiếu sự: Nhân viên sẽ nhận được tiền mặt 1.000.000 đồng từ công ty.
Thực hiện:
- Nhân viên cung cấp thông tin cho Quản lý trực tiếp của mình.
- Quản lý trực tiếp sẽ thông báo cho Phòng Nhân sự về sự kiện này và cung cấp thông tin liên quan.
- Phòng Nhân sự có trách nhiệm chuẩn bị chi trả cho nhân viên ngay khi nhận đầy đủ thông tin.
- Công tác phí
- Phí đi công tác: nhân viên sẽ nhận mức hỗ trợ là 510.000 đồng/người/ngày.
- Trừ Ban Giám đốc mức công tác phí sẽ thanh toán theo chứng từ phát sinh
Đây là mức công tác phí hỗ trợ ăn uống, sinh hoạt cá nhân. Các khoản chi vé máy bay, tàu xe, nhà nghỉ, đi lại tại địa bàn đó thì nhân viên lấy hóa đơn, chứng từ thanh toán về để Công ty thanh toán.
- Hỗ trợ học phí đào tạo
- Khi có những công việc, chức danh đòi hỏi nhân viên phải đi đào tạo để đáp ứng điều kiện làm việc, thì học phí đào tạo sẽ do Công ty chi trả.
- Mức học phí sẽ dựa trên hóa đơn, chứng từ thực tế của khóa học đó.
- Thưởng thâm niên
- Nhân viên có thâm niên từ 3 năm trở lên sẽ được thưởng thâm niên.
- Tiền thưởng thâm niên: Mức phần trăm lương cơ bản của tháng gần nhất * Lương cơ bản tháng gần nhất.
Mức phần trăm lương cơ bản của tháng gần nhất được tính theo kết quả hoạt động kinh doanh của Công ty và mức cống hiến của nhân viên. Mức cụ thể hàng năm sẽ do Giám đốc quyết định bằng văn bản cụ thể vào cuối năm dương lịch.
- Nhân viên có thâm niên 01 năm làm việc tại Công ty sẽ nhận được phần quà là 1 chiếc đồng hồ.
Phòng Nhân sự có trách nhiệm lập danh sách những nhân viên có thâm niên 01 năm trình cấp quản lý phụ trách phê duyệt và chuyển kết quả đến các Đơn vị/ Phòng ban liên quan thực hiện công tác chuyên môn.
Phòng Nhân sự có trách nhiệm trao phần quà cho nhân viên có thâm niên 01 năm làm việc tại Công ty.
- Thưởng quý cho nhân viên xuất sắc nhất
Nội dung:
- Cuối mỗi quý, nhân viên xuất sắc nhất của Công ty sẽ nhận được phần thưởng là 200 SGD (tỉ giá quy đổi sẽ dựa vào tỉ giá ngày trả phần thưởng)
Thực hiện:
- Cuối mỗi quý, các bộ phận sẽ gửi danh sách những Nhân viên xuất sắc nhất quý cho Phòng Nhân sự.
- Phòng Nhân sự sẽ cho bình chọn để chọn ra người xuất sắc nhất Công ty.
- Phần thưởng sẽ được thanh toán vào lương tháng tiếp theo, Phòng Nhân sự sẽ chịu trách nhiệm thanh toán.
- Thưởng tết âm lịch
- Căn cứ vào kết quả hoạt động kinh doanh, Công ty sẽ thưởng tết âm lịch cho nhân viên tùy thuộc vào lợi thuận mỗi năm.
- Hàng năm, Giám đốc sẽ quyết định bằng văn bản cụ thể về mức thưởng đối với từng nhân viên.